Đạo Phật và nguyên lý 80/20 trong cuộc sống
Mặc dù không phải là Phật tử, nhưng tui luôn có cảm hứng với những đạo lý nhà Phật, đồng tình có, phản bác có. Gần đây, nguyên lý 80/20 nổi lên như một phương cách sống thời hiện đại, nhìn ở một khía cạnh nào đó, nó mang tính khoa học và thực tiễn. Với bản tính của mình, tui cố gắng áp dụng các nguyên lý này vào những vấn đề thực tế, xem xét tính đúng sai, hay mối quan hệ của các nguyên lý này với nhau. Dưới đây là những kết quả tiếp thu của riêng bản thân về hai vấn đề thú vị này.
1. Đạo PhậtCó thể nói đạo Phật là một trong những đạo lý được đông đảo người dân tín ngưỡng và tin theo. Đó là một đạo lý làm người, một quy luật về nhân sinh, và trên hết nó cho ta một phương cách để vượt qua khổ đau, đến bờ hạnh phúc. Nói về đạo Phật, một trong những nguyên tắc cơ bản của nó là xác định tính vô thường của vạn vật. Tính vô thường là tính luôn thay đổi, biến dạng, chuyển hoá. Mọi vật luôn biến đổi, chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, không có thứ nào có thể tồn tại mãi theo thời gian. Nắm được điều này, ta sẽ thấy được bao điều thú vị mở ra trước mắt. Rõ ràng đạo Phật chỉ cho ta rằng không thể nhìn đời bằng một con mắt tĩnh, không thể bảo một người tốt sẽ mãi là người tốt, và ngược lại. Ngay cả bản thân ta, không có gì là tĩnh, đặc biệt là cảm xúc, lúc yêu lúc buồn, lúc vui lúc giận. Chính vì vậy, đạo Phật coi trọng hiện tại, con người nên sống trong hiện tại, nghĩ đến tương lai hay nhìn về quá khứ chỉ vô ích, không những thế còn làm cho người ta sinh ra những cảm xúc đau khổ. Đến đây, tui cho rằng đạo Phật hướng con người sống thực tế hơn, và ở khía cạnh nào đó thì khá là thực dụng. Một người khi nhìn về quá khứ thì chỉ thấy tiếc nuối, khi nhìn về tương lai thì chỉ là ảo vọng. Trong khoa học, tính vô thường xuất hiện khá nhiều trong các định luật vật lý như định luật bảo toàn khối lượng, định luật bảo toàn năng lượng,... Tiếp đến, khi đã thấy được tính vô thường, với bản tính tò mò muốn làm chủ, nhiều câu hỏi được đặt ra: làm sao để sống với tính vô thường đó, liệu có nắm được quy luật thay đổi của vạn vật không, hay làm cách nào để luôn luôn vui vẻ hạnh phúc.
Đạo Phật đưa ra thuyết nhân quả để giải thích sự biến chuyển của sự vật hiện tượng. Không phải tự nhiên chúng ta có mặt ở trên đời, không phải tự nhiên mà một người này ghét người kia, hay tại sao con giống cha mẹ nhiều hơn là giống hàng xóm. Với cách nhìn này, mọi thứ đều có tác động qua lại lẫn nhau, và như vậy, ta có thể thấy cái này vừa là nhân vừa là quả của cái khác. Chẳng qua là mức độ tác động lẫn nhau như thế nào mà thôi. Đến đây, tui có ngay liên tưởng đến định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, và chúng ta có thể nói đùa nhau rằng Newton đã vi phạm luật bản quyền với đạo Phật, mặc dù vậy phát biểu của Newton có tính định lượng nhiều hơn. Tui xem thuyết nhân quả là một nền tảng ban đầu cho các ngành khoa học về xác suất thống kê, dự báo thông tin. Người ta thu thập những thông tin trong quá khứ, xác định nguyên nhân nào tác động mạnh mẽ nhất đến kết quả, từ đó đưa ra những dự đoán cho những trường hợp tương tự trong tương lai và rõ ràng là có một xác suất thành công nhất định (liên quan đến nguyên lý 80/20). Tuy vậy, cần phải lưu ý đến tính vô thường của nó, điều đó nhắc nhở chúng ta rằng khi dự báo một chuyện gì, những thông số công thức khoa học là không đủ, mà còn phải dựa vào trạng thái thực tại liên quan.
Một trong những bài giảng quan trọng và cơ bản nhất của đạo Phật là Bát nhã tâm kinh. Bài giảng này chỉ ra tính vô thường của vạn vật, từ đó xác định chính bản ngã (cái tôi) là một trong những kẻ thù nguy hiểm của con người. Cái tôi ở khắp mọi nơi. Chúng ta hay nói cái này của tôi, cái kia của tôi, mà thực sự là đâu phải như vậy. Cái áo tui mua cũng không phải của tui vì đến một lúc nào đó, tui sẽ mất nó đi. Hai người yêu nhau nói họ là của nhau, nhưng đến khi chia tay thì một hay thậm chí cả hai người sẽ thấy rất đau khổ chính là bởi vì họ đã nhầm tưởng người kia đã thuộc về họ mãi mãi. Cái tôi hay bản ngã đã làm cho con người đau khổ, giết chết hạnh phúc của con người. Như vậy, ta đã dần dần hé lộ được cách để mang đến hạnh phúc là loại trừ cái tôi của mình. Nếu ta luôn xác định rằng mọi thứ đều có thể thay đổi, rằng không có cái gì thuộc về ta mãi mãi, rằng có nhân thì có quả thì sẽ không có điều gì khiến bản thân phải đau lòng. Khi đó, hai người yêu nhau sẽ sẵn sàng dành hết tình cảm cho nhau, không phải dè sẻn để dành lại chút tình yêu, phòng ngừa khi bị người ta đá. Họ cũng sẽ không vì một chút nhỏ nhặt mà xét nét lẫn nhau, họ tôn trọng và cảm thông lẫn nhau, bồi đắp cho tình yêu thêm lớn. Và dẫu khi chia tay nhau, họ cũng không cảm thấy đau khổ bởi thấy rằng đó là chuyện tất nhiên phải thế, không có gì phải hối tiếc, tình yêu của họ không mất đi mà chuyển thành tình bạn trân trọng lẫn nhau. Hãy xem xét một ví dụ về mối quan hệ mẹ con. Người mẹ nào mà chẳng thương con. Nhưng chẳng may, đứa con bị tai nạn và qua đời. Thử hỏi có nỗi đau nào như nỗi đau của người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Nếu người mẹ biết rằng bà đã thương yêu đứa con hết mực, đã chăm sóc dạy dỗ nó chu đáo, và đứa con của bà cũng sống rất có ích, bà sẽ vượt qua nỗi buồn này một cách nhanh chóng và chuyển qua những hành động thực sự. Bằng trái tim yêu thương, bà góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội, cổ vũ mọi người tham gia xây dựng đời sống tích cực lành mạnh. Như vậy, dù bà mất một đứa con, nhưng bà lại có thêm nhiều đứa con khác, dù không phải là ruột thịt nhưng giành hết tình cảm cho bà. Ở đây, tui muốn nói rằng nếu bỏ đi cái tôi (bản ngã) của mình, không có nghĩa là chúng ta sẽ không có cái gì thuộc về mình, mà ngược lại, tất cả mọi thứ đều là của mình, cũng như của mọi người. Điều này làm tui liên tưởng đến Mac và Ănghen. Dường như đạo Phật và Mác có cùng một hướng nhìn.
Như vậy, tui đã trình bày ba điều mà tui rút ra được từ đạo Phật: tính vô thường, luật nhân quả và bản ngã (cái tôi). Áp dụng những điều này trong thực tiễn cuộc sống thiệt là vô cùng thú vị. Chẳng hạn, chúng ta thấy rằng lịch sử con người là lịch sử đấu tranh nhằm mang lại công bằng xã hội. Tại sao lại có những cuộc đấu tranh này? Có phải đạo Phật bảo rằng chúng ta chỉ cần sống an vị, không ảnh hưởng đến ai là được? Có người cho rằng đạo Phật khiến con người ta nhu nhược và không dám đấu tranh. Theo ý kiến của tui, điều này tuỳ thuộc vào cách chúng ta tiếp nhận đạo này như thế nào, với tui đây là đạo mà khiến con người ta sống vì nhau, sẵn sàng hy sinh cho nhau. Khi xã hội có bất công, việc đấu tranh sẽ xảy ra và thắng lợi, tại sao?. Xã hội bất công là một xã hội mà ở đó một số ít người hưởng quyền lợi nhiều hơn một số lớn những người khác nhưng lại lao động ít hơn những người đó. Vấn đề này tương tự như cá lớn nuốt cá bé. Chúng ta thấy ở đây, đa số lại là cá bé vì họ tuy đông nhưng khi xét về sức mạnh lại không bằng một nhóm nhỏ kia nhưng có sức mạnh quân sự, dễ dàng đàn áp số đông. Như vậy, nếu muốn đấu tranh nổ ra, số đông phải rèn luyện để nâng cao sức mạnh của mình lớn hơn sức mạnh của số ít đang nắm thế chủ động. Và điều này là hoàn toàn có thể làm được, khi mà họ có luôn có lợi thế về mặt con người, nghĩa là lợi thế cả về sức mạnh trí tuệ và bạo lực. Một điều nực cười là số ít người mặc dù đàn áp số đông nhưng lại luôn bảo đảm cho số đông luôn hơn về mặt con người, có như vậy mới sinh ra nhiều lợi nhuận, và nếu ngược lại thì chẳng còn gì để bàn khi mà số ít đàn áp đến nỗi số đông thành số ít và số ít trở thành số đông. Khi số đông đủ mạnh, cũng với quy luật cá lớn nuốt cá bé, cuộc đấu tranh sẽ nổ ra và không gì có thể ngăn nổi sự thắng lợi của nó. Các cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội tuân theo luật nhân quả, nhưng để cuộc đấu tranh mau chóng đi đến thắng lợi, con người phải loại bỏ cái tôi của mình để sống vì lợi ích chung của nhau.
Một áp dụng khác cho lĩnh vực kinh tế: kinh tế suy thoái là do ai, tại sao như thế? Tại sao giá vàng lại tăng cao như vậy, có khi nào nó giảm hay không? Rõ ràng tui là người ngoại đạo, những câu hỏi này thực sự quá tầm, nhưng cũng có một vài ý kiến như thế này. Kinh tế suy thoái chắc hẳn là phải có nguyên nhân của nó, và nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính tư bản (Mác). Trong thời kỳ suy thoái, phải xác định hướng đi cho mình như thế nào? Sau một thời gian cạnh tranh nhau khốc liệt, giờ đây một số công ty đã tạm bỏ qua bản ngã của mình, liên minh với nhau để tập hợp sức mạnh, lôi kéo thị trường. Ở tầm quốc gia, các chính sách bảo trợ kinh tế cũng được đưa ra. Ở cách nhìn nào đó, ta đã thấy tư bản đang chuyển thành cộng sản để tránh suy thoái/ khủng hoảng kinh tế. Các công ty không tồn tại được phải phá sản, nhưng nó lại có thể xuất hiện lại dưới một cái tên mới, hình thức mới phù hợp hơn. Đó là tính vô thường.
Đạo Phật đưa ra phương tiện thiền định, là một cách để giúp con người có được sự sáng suốt nhất, khách quan nhất khi tiếp nhận những thông tin từ bên ngoài. Và đây là chính là nguyên tắc 80/20 mà tui sẽ đề cập ở phần sau. Nguyên tắc thiền định là tập trung vào một việc nào đó, bỏ qua những thứ râu ria không cần thiết, để trí tuệ được tập trung xử lý. Nguyên tắc 80/20 cũng nói rằng để đạt được hiệu quả cao trong công việc, chúng ta cần tập trung vào công việc đó, không được lan man ra những phần khác. Khi thiền định, người ta sẽ học cách chấp nhận những cảm giác nảy sinh, từ đó điều hoà và cân bằng trạng thái trong tâm hồn. Điều này không có nghĩa là khi bị đối xử không tốt, họ sẽ để yên như vậy. Sự chấp nhận ở đây nên hiểu là sự đĩnh đạc trong suy nghĩ, nhìn sự vật hiện tượng bằng con mắt sáng suốt, từ tốn, thấu được cái bản chất bên trong của mọi vật. Đạo Phật không phải chủ trương bất bạo động như bao người thường nghĩ, mà ẩn sâu trong đó là một khát vọng sống tự do an lạc, thoát khỏi phiền muộn. Khi khát vọng ấy bị đè nén đến độ không thể chấp nhận được, nhà Phật có thể sử dụng bạo động để chống bạo động. Lịch sử cho thấy các nhà sư cũng là một thành phần cách mạng quan trọng, thậm chí họ còn có một đạo quân như Thiếu Lâm Tự bên Trung Quốc, hay gần đây nhất là cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Tạng.
2. Nguyên lý 80/20Khi nhìn lại những trường phái triết học Đông Tây, chúng ta dễ thấy triết học phương Đông thường mang những ý tưởng có tính định tính, trong khi triết học phương Tây thường có những phát biểu có tính chất định lượng. Điều này cũng phản ánh trong phong cách sống của người phương Đông và phương Tây. Chúng ta thường nói người phương Tây sống thực dụng và cái gì cũng phải tính được, còn người Á Đông sống thiên về tình cảm. Tuy nhiên, có lẽ câu nói này cần phải xem lại khi mà toàn cầu hoá hay thế giới phẳng đang dần trở thành phổ biến khắp mọi nơi. Về nguyên lý 80/20, rõ ràng nó không phải là một trường phái triết học nhưng qua cách đặt tên, ta có thể thấy được phong cách của người phương Tây, luôn luôn tìm cách đo lường các quy luật tự nhiên. Phần này, tui sẽ tóm tắt lại một số điểm chính trong cuốn “Sống theo phương thức 80/20” của tác giả Richard Koch, và cố gắng liên hệ với triết học Phật giáo nhằm tránh bị tẩu hoả nhập ma.
Mở đầu cuốn sách, qua những ví dụ, ta có thể hình dung nguyên lý 80/20 giống như là luật phổ biến, luật số đông, luật rừng, hay luật sinh tồn. Tuy nhiên, cái điểm chính nhất của toàn bộ cuốn sách là làm sao “có được nhiều từ cái ít hơn”, một cụm từ được lập lại với tần suất khá cao. Hiện tại, một điều tui đồng tình với tác giả là ta đang sống theo kiểu “nhiều hơn từ nhiều hơn”. Nghĩa là chúng ta làm việc cật lực, ngày đêm, nhằm đạt mục tiêu nào đó của mình. Đây không phải là điều tác giả khuyên chúng ta làm theo. Con người có thể mong chờ một số ít cho nhiều thành quả không phải là điều vô lý. Đó chẳng qua là sự vận dụng kiến thức của mình để chuyển hoá nhiều công sức thành ít công sức hơn nhưng kết quả nhiều hơn (dựa theo tính vô thường và thuyết nhân quả). Ví dụ, trước khi có sự phát triển của máy bay, ít người dám nghĩ đến chuyện du lịch vòng quanh thế giới, nhưng bây giờ thì điều đó đã không còn quá khó khăn cho nhiều người.
Tiếp đến, tác giả nói đến vấn đề thói quen và thời gian. Chúng ta có thể có nhiều thói quen, nhưng một số ít trong đó có lợi cho ta suốt đời. Vì vậy hãy loại bỏ những thói quen không cần thiết ra khỏi cuộc sống của mình. Thời gian cũng theo nguyên lý 80/20. Tận dụng thời gian thật hợp lý cho những công việc mang lại hạnh phúc bản thân. Để giảm thời gian không hạnh phúc, chúng ta cần dành nhiều thời gian cho những việc làm ta thoải mái. Một điều quan trọng là không nên quản lý thời gian vì chúng ta không thiếu thời gian. Thời gian cho ra một ý tưởng lớn chỉ chiếm 20%, nhưng nó lại là sự đúc kết từ 80% thời gian còn lại thông qua học hành, nghiên cứu nghiêm túc. Do vậy, ta cần tận dụng 80% thời gian để chuẩn bị cho 20% xuất thần, tạo ra lợi ích khổng lồ. Tác giả cũng khuyên chúng ta cần phải sống trong hiện tại, không sống hay lo nghĩ với quá khứ và tương lai (tương đồng với giáo lý nhà Phật). Hãy vui vẻ tập trung cho hiện tại là cách để có được một quá khứ có ý nghĩa và tiền đề cho một tương lai xán lạn.
Sau phần một giới thiệu những ý tưởng chung về nguyên lý “ít hơn là nhiều hơn”, phần hai là sự áp dụng ý tưởng này trong các lĩnh vực chủ yếu của cuộc sống: bản thân, công việc, tiền bạc, mối quan hệ và đơn giản hoá cuộc sống. Đối với bản thân, tập trung là chìa khoá thành công. Chúng ta cần xác định những đặc trưng riêng của bản thân, chỉ cần 20% của mình tạo sự khác biệt và dám hành động để có sự khác biệt đó. Sự khác biệt làm tăng giá trị của bản thân, vì vậy cần tập trung cho nó và không cần phải lan man cho những điều “tầm thường” khác. Đối với công việc, cần phải tạo được niềm vui và hạnh phúc khi làm việc. Điều đó đem lại hiệu quả công việc gấp nhiều lần làm một công việc mà ta không thích và luôn cảm thấy chán nản. Về vấn đề tiền bạc, tác giả chỉ ra rằng dành dụm, tiết kiệm là một phương cách của “ít được nhiều”. Hãy thử ngay: để dành và đầu tư hiệu quả 10% thu nhập bản thân bằng cách chuyển vào một tài khoản tiết kiệm. “Lãi kép là sức mạnh lớn nhất trên thế giới”, Albert Einstein. Còn những mối quan hệ theo cách 80/20 là sao? Nhận định của tác giả là chất lượng các mối quan hệ đang dần bị pha loãng bởi những áp lực về kinh tế và công việc, nguyên nhân là do nỗi ám ảnh “làm nhiều được nhiều”. Khi dành năng lượng cho số lớn các mối quan hệ và công việc, họ đã tự mình tước bỏ ý nghĩa và niềm vui xuất phát từ một vài mối quan hệ trung tâm và tình yêu. Cuối cùng là áp dụng “ít được nhiều”trong cuộc sống. Không phải làm được nhiều của cải hơn sẽ có được hạnh phúc nhiều hơn. Chúng ta chỉ cần một nỗ lực vừa phải, để có một tài sản vừa phải nhưng mang lại hạnh phúc lớn lao, đó là điều quan trọng. Để làm được điều này, cần phải xác định cái gì mang lại cuộc sống hạnh phúc nhất cho mình, loại bỏ dần những vật dụng hay hoạt động vô ích, chú trọng vào những công việc cần thiết để đạt được niềm hạnh phúc đó với tốn ít công sức nhất.
Phần cuối cùng của cuốn sách như là lời nhắn nhủ hãy hành động tích cực, học đi đôi với hành. Những xúc cảm tiêu cực luôn tồn tại, hãy chấp nhận nó để vượt qua nó, hay đúng hơn là chuyển hoá nó thành tích cực. Phần này, tác giả còn giúp người đọc xây dựng kế hoạch cho bản thân thông qua một vài ví dụ và bảng biểu cụ thể.
Tóm lại, toàn bộ cuốn sách là làm sao “từ ít được nhiều”. Có nhiều ý tưởng tương đồng với Phật giáo, như: sống trong hiện tại, tập trung vào những việc quan trọng (thiền định), thuyết nhân quả và tính vô thường trong nguyên lý 80/20. Nếu xem đạo lý Phật giáo là một cái nhìn lớn tổng quát về vạn vật thì nguyên lý 80/20 cho ta cái nhìn cụ thể hơn, cách tiếp cận sát hơn với thực tế cuộc sống.